/*! Ads Here */

Cách miêu tả nhân vật trong tiểu thuyết

Văn học

NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ NGOẠI HÌNH NHÂN VẬT NỮ trong một số TIỂU THUYẾT của NHẤT LINH và KHÁI HƯNG

23/04/202027/04/2020 thanhdiavnh Bài viết nghiên cứu khoa học (2020)
Lượt xem: 2.644

NGUYỄN THỊ HỒNG
(Trường Đại học Đồng Nai)

TÓM TẮT

Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn học có tôn chỉ, mục đích rõ ràng và cơ quan ngôn luận riêng. Là những cây bút đắc lực của nhóm Tự lực văn đoàn, Nhất Linh và Khái Hưng đã tạo nên một hiện tượng văn học mới của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 1945. Tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng thể hiện một cách nhìn, cách hiểu về những con người mới trong xã hội đương thời. Thành công của Nhất Linh và Khái Hưng khi xây dựng nhân vật là tập trung miêu tả đầy đủ vẻ đẹp ngoại hình và nội tâm. Trong một chừng mực nào đó, miêu tả ngoại hình nhân vật nữ là một đặc điểm tiêu biểu, một trong những tiêu chí hàng đầu mà hai nhà văn đặt ra trong quá trình xây dựng nhân vật.

Từ khóa: Nhất Linh và Khái Hưng, tiểu thuyết, nhân vật nữ, ngoại hình.

x
x x

1. Mở đầu

Nhân vật chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Cho nên dù đề cập đến vấn đề gì đi nữa thì trong tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng [1, tr. 277]. Có thể nói, nhân vật chính là linh hồn của tác phẩm, là con đẻ tinh thần của nhà văn. Nói như nhà văn Tô Hoài: Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy một sáng tác [2, tr. 127]. Là kết quả sáng tạo có tính chất hư cấu của nhà văn, nhân vật trong tác phẩm là phương diện đặc sắc giúp nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình về con người. Với vai trò quan trọng như vậy, cũng như các nhà văn khác trong nhóm Tự lực văn đoàn, Nhất Linh và Khái Hưng rất coi trọng việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm. Trong hàng loạt tiểu thuyết, Nhất Linh và Khái Hưng đã xây dựng một hệ thống nhân vật phong phú và đa dạng. Mỗi nhân vật được khắc họa với một dáng hình, một tính cách riêng khó trộn lẫn. Đọc sáng tác của Nhất Linh và Khái Hưng, chúng tôi nhận thấy các ông dành nhiều tâm huyết để sáng tạo chân dung người phụ nữ thành những hình tượng sinh động gắn liền với quan niệm thẩm mỹ trong đời sống xã hội đương thời.

Đầu thế kỷ XX, văn học hiện đại kế thừa những thành tựu của nền văn hóa phương Tây, quan niệm về con người trong văn học thay đổi. Các nhà văn đương thời đã đặt con người làm trung tâm, thiên nhiên trở thành công cụ đắc lực để phản ánh con người. Vẻ đẹp của con người là trung tâm và hiện lên thông qua những hình ảnh thiên nhiên đầy nhục cảm. Tiếp bước các thế hệ cha anh, Nhất Linh và Khái Hưng đã có những cách tân táo bạo. Hai tác giả tập trung khắc họa vẻ đẹp của các nhân vật nữ là chủ yếu. Các nhân vật nam ít được chú trọng miêu tả ngoại hình, nếu có cũng chỉ là vài chi tiết ngắn gọn như vẻ đẹp rắn rỏi, cương quyết của một người có chí khí cao rộng của Dũng hay vẻ mặt tầm thường và một cuộc đời mà nàng biết chắc cũng tầmthường của Thân trong Đoạn tuyệt. Nhất Linh và Khái Hưng dồn ngòi bút để miêu tả vẻ đẹp của các nhân vật nữ như Loan (Đoạn tuyệt); Nhung (Lạnh lùng); Thu, Tuyết (Đời mưa gió); Thu, Nhạn (Bướm trắng); Mai (Nửa chừng xuân) Tất cả các nhân vật nữ trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho hai nhà văn.

Hà Minh Đức từng khẳng định: Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ hình dáng trang phục, cử chỉ, tác phong tóm lại là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật [3, tr. 134]. Khi miêu tả các nhân vật nữ, Nhất Linh và Khái Hưng đã chú ý miêu tả vẻ đẹp ngoại hình. Đó là một trong những thủ pháp nghệ thuật quan trọng để xây dựng nhân vật. Các tác giả miêu tả ngoại hình nhân vật nữ ở hai phương diện chủ yếu là vẻ đẹp mang tính chất đô thị và vẻ đẹp thân thể.

2. Nội dung

2.1. Vẻ đẹp mang tính chất đô thị

Trong Mô hình tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, tác giả Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Nét nhấn mới mẻ trong nghệ thuật khắc họa nhân vật của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo là làm nổi bật ở các nhân vật một vẻ đẹp hình thức gắn với những trang phục hiện đại, nhất là sự tô đậm giới tính và sự trẻ trung [4, tr. 78]. Tinh thần đề cao cái đẹp thể chất của quan niệm thẩm mỹ phương Tây đã ảnh hưởng sâu sắc và tạo nên ý thức coi trọng cái đẹp hình thức, cái đẹp thể chất ở nhân vật trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng. Nhất Linh và Khái Hưng quan tâm đến việc thể hiện vẻ đẹp của nhân vật qua việc miêu tả trang điểm, trang phục. Đây chính là yếu tố tạo nên vẻ đẹp ngoại hình của con người nói chung và biểu hiện của con người hiện đại ở thành thị nói riêng.

Các nhân vật trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng đã bày tỏ quan điểm và ý thức được vẻ đẹp trở nên quan trọng. Chính sắc đẹp là yếu tố tạo sự thu hút đối với chính bản thân nhân vật và với những người khác giới. Chẳng hạn nhân vật Hảo trong Thanh Đức không ngần ngại bộc lộ quan điểm coi sắc đẹp là vị trí số một trong cuộc đời cô: Đẹp, đó là mục đích của đời nàng. Nàng cho một thiếu nữ không đẹp thì không thể nào sung sướng được. Thông minh, có học vấn thì càng hay nhưng thiếu cái nhan sắc cần thiết thì thông minh, học vấn cũng bằng thừa, cũng vứt đi. Thông minh, có học vấn cũng chỉ làm tôi tớ cho nhan sắc mà thôi. Muốn đắc thắng, muốn có một tương lai vẻ vang, trước hết cần phải đẹp [5, tr. 1132]. Hảo tin chắc như thế, vì nàng luôn nhớ lại, nàng ngắm lại cái đời quá khứ vẻ vang của mẹ cô. Là một trí thức, Thư trong Đẹp cũng có quan niệm như Hảo: Sống là cạnh tranh, mà lúc có sắc đẹp bên mình là lúc mình sống nhất, không cạnh tranh sao được [5, tr. 874]. Còn nhân vật Hiền trong Trống mái lại cho rằng muốn bình đẳng phải đồng đẳng mà trước hết phải đồng đẳng về thân thể tráng kiện [6, tr. 16].

Sắc đẹp là yếu tố quan trọng, không thể xem nhẹ của lớp người trẻ tuổi trong xã hội. Nó còn là điều đáng tự hào của họ. Nhung trong Lạnh lùng vừa có cái khó chịu vừa có niềm vui nhận thấy trong vẻ mặt các chị em nhìn nàng có ý khâm phục và thèm muốn nhan sắc của mình. Nghĩ đến người bạn tình của mình, Nhung có cái sung sướng ngây thơ nghĩ rằng Nghĩa đã nhìn nàng trongmột lúc nàng có nét mặt xinh đẹp khác thường [7, tr. 201].

Ý thức được sắc đẹp là yếu tố quan trọng và cần thiết trong thời hiện đại, các nhân vật nữ đều tự làm đẹp bằng cách trang điểm, trang phục cho bản thân. Nhiều nhân vật nữ thường làm đẹp bằng cách tự trang điểm cho mình. Chẳng hạn cô Nhung trong Lạnh lùng: Rời chỗ bóng tối giá lạnh, Nhung cầm gương ra ngồi ở bàn về phía có ánh nắng lọt vào. Nàng thong thả chải tóc rồi thong thả mở hộp phấn mà đã lâu lắm nàng chưa dùng đến. Nàng cầm quả bông chấm nhẹ lên hai gò má rồi cởi cúc áo cánh chấm dần dần xuống cổ, xuống vai. Trên da lạnh, nàng khoan khoái đưa đi đưa lại cái quả bông êm ấm; trước mặt nàng, bụi phấn thơm bay tỏa ra trong ánh nắng và làm mờ bóng nàng trong gương [7, tr. 219-220]. Còn cô Tuyết trước khi đi đâu cũng đều trang điểm sửa sang: mở ví lấy cái gương con và cái bông đánh phấn để sửa lại nhan sắc (Đời mưa gió). Cùng với quan điểm của Nhung và Tuyết, nhân vật Hồng (Thoát ly) cũng cho rằng đánh phấn và trang điểm là việc rất tự nhiên, là việc cần nữa.

Các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng thường xuyên chú ý việc làm đẹp cho bản thân không chỉ là cách trang điểm như thế nào mà còn chú ý đến cách ăn mặc, trang phục sao cho phù hợp để làm hài lòng hoặc gây sự chú ý cho người khác. Cô Mai (Nửa chừng xuân) làm đẹp lòng người yêu bằng cách thay đổi liên tục trang phục theo ý của Lộc đến nỗi ở quê ra tỉnh hơn một năm, nàng đã phục sức hệt một thiếu nữ tân thời. Cô Hảo (Băn khoăn) lựa chọn thực đơn theo lờikhuyên của bác sĩ để cơ thể phát triển được đều đặn, cân đối. Cô Hồng (Thoát ly) không chỉ chú ý đến việc trang điểm mà chú ý cả những bộ trang phục hiện đại khi đi gặp người tình. Cô chọn cái áo nhung đỏ may kiểu mới mà ở nhà cô không bao giờ dám mặc, cái áo thắt đáy và nở ngực khiến cô trẻ hẳn đi mấy tuổi để đi gặp người yêu với hy vọng khi gặp, Lương sẽ được chiêm ngưỡng mình với vẻ đẹp lộng lẫy. Cô Hiền (Trống mái) ra biển chọn cho mình bộ áo tắm sặc sỡ làm nổi bật đường nét cơ thể.

Vẻ đẹp mới gắn liền với quan niệm thẩm mỹ thời đại mới, mang lối sống của văn hóa đô thị với cách trang phục của phương Tây đã thấm vào đời sống của người Việt. Đầu thế kỷ XX, phong trào Âu hóa diễn ra một cách rầm rộ ở các vùng đô thị trong cả nước. Tuy mục đích của phong trào này của thực dân Pháp là tiêu cực nhưng nó cũng chi phối, tạo ra những biến đổi tích cực trong nhận thức của người dân thị thành về vấn đề bảo vệ và chăm lo thân thể. Các nhà văn hiện thực như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng nhìn sự biến đổi này dưới góc nhìn trào phúng, châm biếm, chế giễu. Họ nhìn thấy sự lai căng, tha hóa trong cách con người tiếp cận với trang phục Âu hóa, cách ăn mặc nửa ta nửa Tây. Ngược lại, Nhất Linh và Khái Hưng lại tìm ra những giá trị tiến bộ. Đó là cái quyền của con người được tận hưởng. Con người được tự do, được làm đẹp, được tôn trọng và được hạnh phúc. Đó chính là sản phẩm được kiến tạo của thời đại mới khi tiếp xúc với văn hóa, tư tưởng, lối sống của phương Tây.

2.2. Vẻ đẹp hình thể

Nhất Linh và Khái Hưng không chỉmiêu tả vẻ đẹp của các nhân vật nữ qua cách trang điểm, trang phục mà còn chú trọng miêu tả vẻ đẹp hình thể của nhân vật. Các nhân vật nữ đều có ngoại hình rất đẹp. Sắc đẹp là yếu tố đầu tiên gây thiện cảm với mọi người. Trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng, việc thể hiện vẻ đẹp ngoại hình luôn gắn liền với nhu cầu giải phóng cảm giác của con người cá nhân nhu cầu thưởng thức cái đẹp. Tất cả các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng đều được miêu tả một cách ấn tượng cho người đọc là họ rất xinh đẹp. Nếu con người trong văn học truyền thống yêu nhau vì nghĩa, trọng nhau vì tài thì con người trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng được miêu tả sắc đẹp gây ấn tượng đầu tiên mang đến cảm giác trong tình yêu. Trong Hồn bướm mơ tiên, Ngọc đã thú nhận với chú tiểu Lan: Thưa ni cô, ni cô không ngại, tôi xin thú thực với ni cô rằng tôi yêu ni cô, tôi yêu ngay từ lúc còn tưởng ni cô là trai. Ni cô là một người thông minh, đĩnh độ xinh đẹp như thế thì ai lại không yêu được [5, tr. 48]. Lộc và họa sĩ Bạch Hải trong Nửa chừng xuân có cảm tình và yêu Mai ngay từ phút đầu có lẽ vì Mai đẹp.

Vẻ đẹp ngoại hình được miêu thông qua sự cảm nhận trực tiếp của các nhân vật khác, hoặc tự nhân vật cảm nhận về mình. Dù được miêu tả qua con mắt của bất kỳ nhân vật nào thì các tác giả luôn chú ý khắc họa những đường nét gợi hình, gây ấn tượng. Vẻ đẹp dịu dàng, thánh thiện như Thu hay hiện thân của sự cám dỗ như Tuyết (Đời mưa gió) thì họ đều khẳng định được vẻ đẹp của mình.

Qua lăng kính của các nhà văn, vẻ đẹp hình thể của những nhân vật nữ làsự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại. Đó là vẻ đẹp của mái tóc dài, làn da trắng, đôi mắt đen. Tuy nhiên những vẻ đẹp ấy được tôn lên bởi ý thức chăm chút của các nhân vật. Họ đã ý thức được sắc đẹp là yếu tố đầu tiên gây thiện cảm. Chính vì thế, khi đọc tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng, người đọc quý trọng các cô gái thành thị có học thức và rất xinh đẹp. Ngoại hình của các cô hiện ra dần dần với những đường nét ấn tượng về vẻ đẹp bên ngoài.

Vẻ đẹp của Nhung chỉ thấp thoáng hiện ra ở từng đoạn điểm xuyết. Lần thứ nhất, khi tác giả tả nàng tắm ở phần đầu tác phẩm: Nàng cởi áo cánh rồi vội vàng lấy gáo múc đầy thau nước, giội mạnh từ cổ xuống chân dưới bóng trăng, hai bàn tay tròn trĩnh của nàng đã trắng lại càng trắng hơn [7, tr.193- 194]. Lần thứ hai, ở đoạn kết thúc tác phẩm: Mặc dù trời rét, Nhung cởi tà áo trong để lộ hai cánh tay trắng tròn trĩnh [6, tr. 268]. Ngoại hình đầy gợi cảm của Hiền (Trống mái) lúc thì hiện ra khi nàng thay đổi trang phục: Bộ áo tắm màu xanh non rất ngắn để hở cặp đùi hồng hào, cái ngực trắng bong và cái lưng lằn những bắp thịt [6, tr. 13]. Khi thì vẻ đẹp đó được miêu tả trong sự so sánh với người mẹ: Hai người lặng lẽ đi ra bãi biển. Bà Hậu trong cái áo khoác vải bông trắng dài chấm mắt cá trông còn khỏe mạnh, cứng cáp. Đi bên cạnh bà, Hiền như một cây mạ non đương bồng bột lớn và chứa đầy nhựa buổi đầu xuân. Một tấm nhan sắc hoạt động, hùng tráng, thanh khiết trái ngược với thứ nhan sắc nhu nhược, ủy mị, kín đáo biểu hiện của dục tình [6, tr. 15].

Điều đặc biệt là Nhất Linh và KháiHưng đã đồng quan điểm khi đặt ngòi bút sáng tác. Hai nhà văn nhường chỗ cho một số nhân vật nam trong tác phẩm cảm nhận và đánh giá vẻ đẹp của các nhân vật nữ. Trước tiên là vẻ đẹp của Nhung trong Lạnh lùng qua sự chiêm ngưỡng của bạn trai là sự hấp dẫn từ khuôn mặt diễm lệ, tươi sáng và hai con mắt long lanh. Hay vẻ đẹp của Lan trong Hồn bướm mơ tiên gây sự chú ý cho Ngọc là vẻ đẹp của nước da trắng mát. Ngoại hình của Tuyết (Đời mưa gió) không hiện ra rõ nét ngay một lúc mà hiện ra qua sự cảm nhận bất chợt của Chương ở những thời điểm khác nhau. Có khi giữa những lời đối thoại, Chương bỗng nhận ra vẻ đẹp quyến rũ trên khuôn mặt Tuyết: Tuyết vừa cười, vừa liếc mắt long lanh hoạt động nhìn Chương một cách tình tứ. Cặp môi bôi sáp hình trái tim nhếch một nụ cười làm hai lúm đồng tiền ở hai bên má mơn mởn như trái đào Lạng Sơn mới hái [8, tr. 156].Có khi tác giả còn miêu tả ngoại hình của Tuyết với vẻ đẹp thoáng hiện ra ở hai bàn tay: Tuyết đương ngồi cặm cụi mạng chiếc áo lót. Chương đứng dừng lại ngắm cánh tay trắng muốt, mềm mại cử động [8, tr. 173]. Vẻ đẹp cuốn hút của Lan Hương trong Thanh Đức qua cảm xúc của Cảnh là một vẻ cuốn hút của cái đẹp tình tứ, âm thầm, yêu đương và bí mật, nhất là bí mật, bí ẩn ở cái miệng nhỏ có một vẻ mệt nhọc và ít nói ở cặp mắt sáng to và sâu che sau hàng mi dài và cong lên [5, tr. 1019].

Có khi Nhất Linh và Khái Hưng đã để cho nhân vật cảm nhận về vẻ đẹp của mình. Hiền trong Trống mái cảm nhận về vẻ đẹp ngoại hình đầy quyến rũ của thân thể mình: Hiền gấp vội bức thưbỏ vào phong bì, rồi đứng dậy vào buồng thay áo tắm. Mặc xong nàng đưa tay nắm cặp đùi chắc nịch và xoa bộ ngực nở nang, khoan khoái, sung sướng thở ra một hơi dài nàng vừa thấy bóng mình lờ mờ in nghiêng vào một bên cửa kính. Tuy những miếng kính phản chiếu không được rõ ràng tấm thân đầy đặn cân đối của nàng nhưng nàng cũng ngắm thấy đường lưng thẳng, nét ngực phồng và cái bụng thon thon [6, tr. 12].

Trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng, có một điểm đáng chú ý là khi miêu tả ngoại hình, các tác giả luôn chú ý miêu tả đôi mắt của các nhân vật nữ. Đôi mắt của nhân vật nữ chính đều được miêu tả rất đẹp. Những đôi mắt đẹp là sự diễn tả thế giới tâm hồn của nhân vật. Đôi mắt của Mai (Nửa chừng xuân) với quầng mắt đen sâu hoắm càng làm tăng vẻ rực rỡ long lanh của hai con ngươi sáng dịu như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng. Đôi mắt đó luôn biểu hiện rõ tính cách của nàng: dịu dàng, trong trắng nhưng đầy nghị lực. Trong đáy mắt long lanh của Hồng (Thoát ly) chứa đựng một tình yêu nồng nàn mà Lương đã cảm nhận được: Trời ơi, đôi con mắt mới tình tứ làm sao, như muốn trao cả linh hồn cho mình. Đôi con mắt đáng giá nghìn vàng [5, tr. 717]. Hay Nghĩa (Lạnh lùng) luôn đọc được suy nghĩ trong đôi mắt của Nhung như trao hết linh hồn cho người mình yêu: hai con mắt đen lóng lánh nhìn chàng [7, tr. 209]. Đôi mắt ướt và dịu dàng của Tuyết trong Đời mưa gió báo cho Chương biết rằng chàng nghĩ lầm khi nghi ngờ tình yêu của nàng.

Nhất Linh và Khái Hưng miêu tả thân thể người phụ nữ quyến rũ, gắn với biểu hiện về sắc dục. Cái đẹp được miêu tả một cách trực diện, thành một quan niệm thẩm mỹ rất Tây. Không chỉ gợi vẻ tình tứ, hấp dẫn từ cặp mắt to, đen và sáng long lanh như ướt, gò má ửng hồng rất trẻ, rất tươi, kiêu hãnh một cách ngây thơ, từ nước da hồng hào, cặp môi tươi thắm, hai má đỏ hây hây, đôi má hồng đào, hai bàn tay tròn trĩnh, cái cổ tròn trắng dịu của các cô nàng Nhất Linh và Khái Hưng còn có ý thức tô đậm những đường nét mang tính sắc dục ở người phụ nữ như thân hình vừa thướt tha vừa nở nang, bộ ngực nở nang chứa đầy sinh lực của cô gái dậy thì (Lan trong Đẹp), cặp đùi chắc nịch, đường lung thẳng, nét ngực phồng và cái bụng thon thon (Hiền trong Trống mái) Nhất Linh và Khái Hưng miêu tả một cách chân thực vẻ đẹp của con người mà trước hết nhấn mạnh nét đẹp thân thể đúng với vẻ đẹp thế tục của nhân vật. Đó là vẻ đẹp tự thân, là yếu tố giúp cho nhân vật khẳng định chính mình. Vẻ đẹp ngoại hình còn là chất xúc tác trong các mối quan hệ giữa các nhân vật. Trong Đời mưa gió, Chương là một chàng trai có tấm lòng nhân hậu và vị tha thế mà khi thấy Tuyết tả tơi từ đời mưa gió trở về, Chương đã có suy nghĩ: Có sắc đẹp mới có thể khiến kẻ giận mình tha thứ. Nếu không thì van lơn vô ích [8, tr. 249]. Thậm chí Tuyết cũng thấu hiểu được tình cảm của Chương khi sắc đẹp của mình đã tàn phai: sắc đẹp đã tàn phai, ngày xanh mòn mỏi thì còn đâu là ái tình, họa chăng còn lại chút tình trắc ẩn với kẻ phiêu lưu khốn nạn [8, tr. 253-254]. Tuyết hối hận vì đã trở về. Nàng không đau buồn vì Chương không còn yêu nàng nữa mà xót xa vì hình ảnh xuân sắc của nàng đã không còn lại bóng dáng trong tâm hồn Chương: Nếu ta biết chàng yêu ta đến thế thì ta đừng đến nhà chàng có hơn không! Chàng sẽ mãi mãi sống với hình ảnh không già của ta [8, tr. 251]. Trong bối cảnh của thời đại, Nhất Linh và Khái Hưng cho ta thấy một quan niệm mới về tình yêu. Con người được quyền tự do cảm mến, yêu thương nhau không chỉ vì nghĩa vì tình như truyền thống mà trước hết vì vẻ đẹp cuốn hút của thân thể. Sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây là luồng gió mới tạo nên quan niệm sống mới của con người trong xã hội.

Nhất Linh và Khái Hưng miêu tả ngoại hình các nhân vật chưa thực sự rõ nét kiểu như các nhà văn hiện thực (Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng). Chỉ qua những nét chấm phá về việc miêu tả ngoại hình của nhân vật, người đọc có thể hình dung những nhân vật cụ thể trong sáng tác của hai nhà văn. Điều đó cũng giúp người đọc dễ dàng nhận ra các nhà văn trong Tự lực văn đoàn đã đề cao vẻ đẹp trần tục và cuốn hút của các nhân vật nữ.

3. Kết luận

Nhất Linh và Khái Hưng là những nhà văn có nhiều đóng góp vào quá trình hiện đại hóa của tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trong từng chặng đường của khoảng mười năm sáng tác, tiểu thuyết của các nhà văn đã đạt những thành tựu lớn về số lượng, về phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật xây dựng ngoại hình nhân vật nữ là một trong những phương diện tiêu biểu. Các nhà văn tập trung miêu tả vẻ đẹp mang tính chất đô thị và vẻ đẹp hìnhthể của các nhân vật nữ. Đó chính là vẻ đẹp thể chất của con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Đồng thời đó cũng là phương diện tiêu biểu nhất cho con người cá nhân thị thành lớp người mới, nam nữ thanh niên trí thức Tây học. Vẻ đẹp ngoại hình các nhân vật nữ thể hiện ý thức mới về giá trịcon người. Từ đó cho thấy hai thành viên tiêu biểu trong Tự lực văn đoàn đã tạo ra những giá trị mới trong cách nhìn nhận về con người. Đó là sự tiến bộ về bút pháp miêu tả ngoại hình nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Tô Hoài (1977), Sổ tay viết văn, Nxb Tác phẩm Mới, Hà Nội.

3. Hà Minh Đức (2000), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Tuyến (2004), Mô hình tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

5. Phan Trọng Thưởng Nguyễn Cừ (giới thiệu và tuyển chọn) (2001), Văn chương Tự lực văn đoàn, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Khái Hưng (2000), Trống mái, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

7. Phan Trọng Thưởng Nguyễn Cừ (giới thiệu và tuyển chọn) (2001), Văn chương Tự lực văn đoàn, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8. Phan Trọng Thưởng Nguyễn Cừ (giới thiệu và tuyển chọn) (2001), Văn chương Tự lực văn đoàn, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Nai, số 16 2020. ISSN 2354-1482

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

HTKH Việt Nam học lần IV-2019Văn hóa

Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN (Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,)

05/02/2020 thanhdiavnh Chức năng bình luận bị tắt ở Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN (Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,)

Văn hóa Việt Nam hiện nay một mặt luôn giữ gìn những tinh hoa truyền thống của dân tộc, một mặt vẫn có sự tiếp biến giao lưu với văn hóa khu vực và quốc tế. Vậy sự tiếp biến đó bắt đầu từ khi nào? Nó thăng hoa vào giai đoạn nào? Lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến cố thăng trầm, song hành với những biến cố đó là nhiều sự dịch chuyển của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, giai đoạn đầu thế kỷ XX từ 1930 đến 1945 có thể xem là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn với sự du nhập của nhiều luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội.

Video liên quan

*

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn

Responsive Ad

/*! Ads Here */

Billboard Ad

/*! Ads Here */